Bỏ túi kinh nghiệm du lịch Hà Giang an toàn, tiết kiệm

Không chỉ được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh lam thắng cảnh khiến du khách phải trầm trồ, Hà Giang còn được biết đến là nơi lưu giữ những di tích lịch sử lâu đời cũng như nét đẹp văn hóa đặc sắc quy tụ 22 dân tộc khác nhau của vùng núi cao phía Bắc. Tất cả điều này tạo nên một sức hút đặc biệt hấp dẫn đối với các tín đồ đam mê du lịch, không ngừng khám phá những điều mới mẻ.

Vậy còn chần chừ gì nữa mà không cùng Kumho Samco tìm hiểu thêm những “kinh nghiệm khi đi du lịch Hà Giang” để chinh phục trọn vẹn mảnh đất xinh đẹp và đầy quyến rũ này.

Nên đi du lịch Hà Giang vào mùa nào trong năm?

Hà Giang mỗi mùa đều có một nét đẹp riêng, bạn có thể du lịch Hà Giang vào bất kỳ thời gian nào trong năm đều được. Tuy nhiên, để khám phá hết nét đẹp của vùng núi cao nguyên này, bạn nên đến Hà Giang vào những thời điểm như:

– Tháng 1: Mùa xuân về, khắp nơi từ Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc vào mùa hoa đào, hoa mận, hoa cải vàng nở rộ khoe hương sắc hòa quyện với nền đá đen của cao nguyên đá với những nếp nhà trình tường đẹp không khác gì một bức tranh hoàn mỹ.

– Tháng 4: Đây là thời gian tổ chức lễ hội chợ tình Khau Vai. Không gian chợ náo nhiệt, quy tụ đông đảo người dân ở các vùng cùng đến tham gia. Tại đây, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng nét đẹp nhân văn của chợ tình Khâu Vai, cùng hình ảnh những cô gái, chàng trai túm tụm chuyện trò tíu tít, chia sẻ những vấn đề xoay quanh cuộc sống.

– Tháng 5, tháng 6: Vào mùa nước đổ, là lúc người dân bước vào vụ mùa lớn nhất trong năm

– Tháng 9,10: là thời điểm thời tiết đã chuyển qua mùa thu, hình ảnh những thửa ruộng bậc thang, thung lũng dưới chân đèo được phủ lên một tấm áo choàng óng ả vàng rực cả một khung trời đẹp tựa như bức tranh khiến không ít người cảm thấy nao lòng, ngất ngây.

– Tháng 10 đến tháng 12: Cứ đến dịp vào cuối tháng 10 đầu tháng 12, mọi người thi nhau kéo lên Hà Giang để ngắm nhìn hoa tam giác mạch. Những bông hoa tim tím trải khắp sườn đồi mang đến cảm giác thơ mộng, huyền ảo tuyệt kỳ lạ.

Di chuyển bằng phương tiện gì tại Hà Giang

Xe máy

Nếu bạn là dân đam mê đi phượt, muốn chinh phục Hà Giang bạn có thể lựa chọn đi xe máy xuất phát tại Hà Nội. Khoảng cách từ Hà Nội đến Hà Giang .khoảng 300km,  mất khoảng 8-10 tiếng tùy vào tốc độ chạy xe của mỗi người. Tuy nhiên, cảnh vật trên cung đường này không có gì nổi bật.

Xe khách

Để tiết kiệm thời gian và sức lực bạn có thể chọn phương tiện di chuyển là xe khách giường nằm. Giá vé dịch vụ từ Hà Nội đến Hà Giang khoảng 200 nghìn đồng và thời gian di chuyển chỉ mất 4-5 tiếng đồng hồ. Sau khi tới thành phố, bạn có thể thuê xe máy di chuyển tham quan khắp tỉnh Hà Giang để trải nghiệm cũng là một sự lựa chọn tuyệt vời.

Máy bay

Máy bay là phương tiện phổ biến dành cho những du khách ở xa như miền Nam hoặc miền Trung khi có ý định đến tham quan Hà Giang. Tỉnh vùng núi cao này vẫn chưa có sân bay, chính vì vậy, các bạn phải đáp chuyến bay tới Hà Nội trước rồi mới di chuyển lên Hà Giang.

Đa phần, các chuyến xe đi Hà Giang đều đi theo hướng Quốc lộ 2, xuất phát khá gần với sân bay Nội Bài nên khi bạn hạ cánh có thể di chuyển ra ngay ngã tư Nội Bài- Phúc Yên rồi chờ xe đi đến Hà Giang luôn.

Đi du lịch Hà Giang nên ở đâu?

Resort hoặc khách sạn 5 sao

Ở Hà Giang hiện chưa có nhiều resort hay dịch vụ khách sạn 5 sao cao cấp nhưng vẫn có những nơi mang đến trải nghiệm cực kỳ đáng nhớ, đáng trải nghiệm cho du khách. Đứng đầu danh sách phải kể đến resort ở Hà Giang chắc chắn phải kể đến P’apiu Resort cách trung tâm Hà Giang khoảng 13km. Nơi đây sẽ dành tặng bạn một tấm vé đi lạc giữa khung cảnh núi rừng hùng vĩ, những ruộng bậc thang ngút mắt và giữa trời mây nên thơ của vùng biên giới phía Bắc tổ quốc.

Khách sạn Hà Giang

Khách sạn 2-3 sao là loại hình lưu trú phổ biến nhất của du khách khi đến tỉnh Hà Giang. Giá phòng ở đây có nhiều mức khác nhau, phù hợp cho nhiều đối tượng du khách từ gia đình, bạn bè đến các cặp đôi. Khách sạn ở đây đều được đánh giá cao với đầy đủ tiện nghi, là nơi dừng chân thoải mái cho chuyến du lịch Hà Giang.

Khách sạn Hà Giang vào những mùa cao điểm như mùa tam giác mạch, mùa lúa chín thường rơi vào tình trạng hết phòng. Chính vì thế, để chọn được nơi dừng chân lý tưởng, hợp túi tiền, bạn nên đặt trước dịch vụ lưu trú trước 1-2 tháng.

Homestay

Homestay cũng là sự lựa chọn lý tưởng dành cho các bạn trẻ đam mê khám phá Hà Giang, muốn có những trải nghiệm thực thụ với văn hóa bản địa và gần gũi với người dân với chi phí cực kỳ hợp lý. Nhiều Homestay do người đồng bào mở ra và có cung cấp dịch vụ nấu ăn chung với gia chủ hoặc được gia chủ đích thân xuống bếp phục vụ.

Ngủ lều

Nếu thích một chút bụi bặm, hoang dã các bạn có thể mang theo lều để ngủ qua đêm. Tuy nhiên, bạn cần biết chọn những nơi bằng phẳng để dựng lều khi ngủ sẽ thoải mái, ấm áp hơn. Nếu dựng lều ở nơi có độ cao, hãy mang theo túi ngủ loại ấm áp để đảm bảo giấc ngủ của bạn được tốt nhất.

Những địa điểm nhất định phải tới khi di du lịch Hà Giang

Dốc Bắc Sum

Điểm du lịch hấp dẫn mà bài viết muốn giới thiệu đến du khách khi đi du lịch Hà Giang chính là Dốc Bắc Sum, đây là con dốc cheo leo hiểm trở bậc nhất ở Hà Giang, nối liền giữa các xã Minh Tân và Quyết Tiến.

Nhìn từ phía xa dốc Bắc Sum giống hệt một dải lụa mềm mại vắt qua đỉnh núi. Giữa những ngọn núi đá tai mèo cheo leo, dốc Bắc Sum thoát ẩn thoát hiện giữa làn sương huyền ảo. Vượt qua dốc Bắc Sum sẽ ngắm được toàn cảnh nơi đây đẹp như một bức tranh thủy mặc.

Đi chợ phiên

Chợ phiên vùng cao luôn là một nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của người dân vùng dân tộc miền núi. Ngoài mục đích trao đổi hàng hóa, chợ phiên còn là nơi giao lưu giữa các đồng bào. Tuy hiện nay, chợ phiên Hà Giang đã có phần cải tiến, hiện đại hơn với đa dạng các loại mặt hàng khác nhau từ nông sản, đồ dùng sinh hoạt, đồ điện tử,… nhưng nhiều nét văn hóa vẫn còn được lưu giữ. Nếu chưa từng trải nghiệm, các bạn nên sắm cho mình một chiếc khăn của người Mông, quấn lên đầu và dạo vài vòng quanh chợ nhé.

Cột cờ Lũng Cú

Lũng Cú được ví như “điểm đặt bút vẽ bản đồ Việt Nam” bằng cột cờ Lũng Cú. Công trình này được thiết kế theo cột cờ Hà Nội như chứng minh cho niềm tự hào dân tộc, 54 anh em dân tộc luôn đoàn kết, yêu thương nhau.

Đây cũng chính là điểm đến đầu tiên mà bất kỳ ai đi du lịch Hà Giang cũng muốn đến một lần để cảm nhận sâu sắc “dòng chảy Tổ Quốc” khắc ghi trong lòng mình. Cảm giác được mặc trên mình chiếc áo đỏ sao vàng và chụp hình cùng lá cờ đỏ tung bay nơi địa đầu Tổ Quốc thì còn gì tuyệt vời hơn. Càng lên cao, mỗi bậc thang dẫn lên đỉnh cột cờ, cảm xúc của du khách sẽ càng vỡ òa với cảnh núi non hùng vĩ, ruộng đồng bao la bát ngát nơi đây.

Đèo Mã Pì Lèng

Đèo Mã Pì Lèng có cung đèo dài khoảng 20km, uốn lượn hiểm trở được mệnh danh là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của vùng núi phía Bắc Việt Nam, nối liền Mèo Vạc và Đồng Văn.

Đây là một trong những nơi được nhiều tín đồ đam mê phượt muốn chinh phục nhất. Từ trên đỉnh đèo, bạn có thể dễ dàng quan sát toàn cảnh hùng vĩ của con sông Nho quế màu xanh ngọc bích uốn lượn quanh những quả đồi trùng điệp say đắm lòng người.

Thung Lũng Sủng Là – Lũng Cẩm

Làng văn hóa Lũng Cẩm ở Sủng Là luôn là chốn tham quan được nhiều du khách đặc biệt chú ý. Với điểm đến chính là “nhà của Pao” hay những cánh đồng hoa bất tận. Nhìn khung cảnh mùa hoa xuân, hoa tam giác mạch cuối thu, hoa đào hồng, hoa mận trắng, hoa cải vàng rực rỡ làm du khách lưu luyến mãi không muốn rời đi.

Vách đá trắng Hà Giang

Cũng từ con đèo Mã Pí Lèng, ngoài sông Nho Quế hay hẻm Tu Sản, du khách còn có thể ghé thăm quan 1 kỳ quan khác chính là vách đá trắng. Tuy nhiên, đường đến vách đá phải đi bộ khá xa nên thường chỉ khách du lịch tự túc hoặc theo tour thiết kế riêng mới đến đây du ngoạn mà thôi.

Vách đá này đặc biệt ở chỗ hình dáng của chúng vát thẳng 1 đường như bị đường kiếm sắc ngọt chém qua. Đây cũng là vách núi thần mà người dân nơi đây gọi là nơi được “che chở bởi nàng tiên”.

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì từng được công nhận là di tích quốc gia có lịch sử phát triển hàng trăm năm nay của người Dao, La Chí, Nùng. Để nhìn ngắm trọn vẹn khung cảnh ruộng bậc thang đẹp nhất, hãy đến bản Phùng, Bản Luốc ở Hoàng Su Phì- nơi có những thửa ruộng bậc thang cao nhất Việt Nam vào mùa lúa chín khoảng tháng 9,10.

Thị trấn Phó Bảng

Thị trấn Phó Bảng nằm sâu bên trong thung lũng cao nguyên đá, bốn bề đều là núi bao quanh. Thị trấn trồng nhiều hoa hồng, hồng Phó Bảng nhỏ nhưng sắc thắm, hoa được đưa về bán ở thành Phố Hà Giang mỗi ngày. Giữa cao nguyên đá trơ trụi những bông hoa hồng tỏa hương thơm dìu dịu như muốn níu chân người du khách mỗi lần tới đây.

Rừng thông Yên Minh

Rừng thông Yên Minh cách thành phố Hà Giang khoảng 100km theo hướng Đông Bắc, đường 4C chạy từ Cán Tỷ lên trung tâm thành phố huyện ngang qua ba xã: Na Khê, Lao Và Chải, Bạch Đích,.. Con đường Yên Minh với rừng thông mọc khắp lưng chừng trời được ví như “Đà Lạt thu nhỏ ở vùng Đông Bắc Tổ Quốc”. Hãy dừng chân ở rừng thông Yên Minh để tận hưởng cảm giác rừng thông reo đùa trong gió, xào xạc tỏa hương khắp chốn.

Phố cổ Đồng Văn

Phố cổ Đồng Văn vốn nổi tiếng là địa điểm lưu giữ được nhiều ngôi nhà, công trình tường cổ kĩ đậm chất phong kiến. Nếu có cơ hội đến đây vào dịp rằng, du khách sẽ được cảm nhận một phố cổ rất khác lạ, đẹp lộng lẫy nhờ những chiếc đèn lồng được treo khắp mọi ngóc ngách.

Hồ Noong

Hồ Noong là một hồ nước ngọt được xem như nàng tiên của xứ cao nguyên đá tỉnh Hà Giang. Hồ nằm trong địa phận xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên, nằm cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 23km. Hồ nước tự nhiên, có điểm đặc biệt là cây nổi trên mặt nước thay đổi theo từng mùa.

Chùa Sùng Khánh

Đây là một ngôi chùa nổi tiếng nhất tỉnh Hà Giang. Chùa tọa lạc trên đỉnh của một quả đồi nhỏ trong thôn Làng Nùng cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 9km đi về hướng Tây Nam. Ngôi chùa tựa vào dãy núi thấp, mặt tiền chính quay ra dòng suối Thích Bích, với khung cảnh nên thơ, lãng mạn.

Đặc sản Hà Giang nên thử ít nhất một lần trong đời

Bánh cuốn trứng Hà Giang

Bánh cuốn trứng Hà Giang nhìn ngoài có vẻ giống bánh cuốn Hà Nội nhưng mang một hương vị cực kỳ khác biệt khi thưởng thức. Thay vì ăn cùng nước mắm, bánh cuốn Hà Giang với nhân trứng và mộc nhĩ sẽ ăn cùng nước hầm xương, mang đến hương vị lạ miệng, vị ngọt bùi bùi khó có thể diễn tả hết bằng lời.

Cơm lam Bắc Mê

Bắc Mê nổi tiếng với loại gạo nếp thơm ngon, được nướng cẩn thận, tỉ mỉ trên bếp than hồng trong ống tre bịt lá chuối hoặc lá dong tươi. Ống tre được hơ và xoay tròn cho đến khi tỏa ra mùi thơm của cơm nếp, ăn vào có vị ngọt bùi. Cơm lam ăn cùng với muối vừng, muối riềng hay nước thịt đều được. Đây là món ăn đáng để trải nghiệm, hương vị không thể nào quên khi đi du lịch Hà Giang.

Cháo ấu tẩu

Nhiều thực khách sẽ thắc mắc khi lần đầu nghe đến cái tên cháo Ấu Tẩu có vẻ lạ lẫm nhưng thực ra đây là một món cháo chế biến từ một loại củ được trồng rất nhiều ở vùng núi Đông Bắc này. Ấu Tẩu là một loại củ khó chế biến, nên chỉ có người dân bản địa, có kinh nghiệm dày dặn và thuần thục mới có thể làm nên món cháo ngon đúng điệu, mang đậm nét đặc trưng của người Hà Giang.

Thắng cố

Thắng cố có lẽ là một trong những món ăn đặc sản vùng núi cao nguyên nổi tiếng khắp chốn. Nguyên liệu chính chế biến nên món ăn này chính là thịt và nội tạng của bò, ngựa, trâu được xào qua rồi ninh trong thời gian lâu với đủ các loại gia vị, thảo quả đặc trưng của núi rừng.

Thắng cố thường được bày bán rất nhiều ở các chợ phiên. Và bạn cũng đừng quên gọi thêm một chén rượu ngô lá thơm, ngọt để thưởng thức trọn vẹn hương vị Thắng cố đúng chuẩn người bản địa.

Bánh tam giác mạch

Hạt Tam giác mạch chỉ nhỏ bằng một nửa hạt đậu bình thường, sau khi thu hoạch sẽ được phơi khô rồi xay bằng tay cho đến khi bột mịn. Nhào bột này với nước, đóng thành những khuôn tròn, dẹt, to bằng hai lòng bàn tay. Bánh được hấp chín trước khi nướng nhằm tạo nên lớp vỏ nâu bắt mắt, vị giòn bên ngoài và bên trong mềm xốp rất phù hợp để ăn dằn bụng trong lúc di chuyển hoặc mang về làm quà cho người thân.

Tag:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *